Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ
10/06/2020
Ngày 9/6, Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tinh thần đoàn kết, thống nhất và phát huy dân chủ.
Sau thời gian khẩn trương và tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí; đồng chí Lê Thanh Hưng - Phó Tổng giám đốc VRG được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy VRG.
Lãnh đạo VRG tặng hoa ban chấp hành khóa mới |
Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn có 12 chi bộ trực thuộc với 133 đảng viên. Đội ngũ đảng viên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chiếm 94%, tập trung những cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và chuyên viên có trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau; có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn và tinh thần trách nhiệm cao đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Với chức năng là cơ quan tham mưu của Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn đã tham mưu thực hiện việc chuyển đổi Tập đoàn, từ một tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối từ ngày 01/6/2018; từ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ ngày 18/11/2018.
Các đoàn thể chính trị – xã hội trong Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn luôn phát huy tốt vai trò của mình trong công tác vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và NLĐ phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; cùng với chính quyền cùng cấp chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng bộ và chính quyền cùng cấp.
Các đoàn thể còn là cầu nối giữa Công ty mẹ với người lao động (NLĐ), giữa Đảng với quần chúng. Thời gian qua các đoàn thể đã tham mưu Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, thực hiện và phát huy tốt dân chủ ở cơ sở thông qua các hoạt động đối thoại định kỳ, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng bộ trong các buổi làm việc định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, các hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi của NLĐ và tham gia công tác quản lý của chính quyền cùng cấp.
Trong năm qua, Công ty mẹ Tập đoàn thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, bảo toàn và phát triển vốn, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, bảo đảm tiền lương và thu nhập cho NLĐ.
Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn tham mưu cho Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng và phát triển thương hiệu VRG trên thị trường thế giới và khu vực, có có thể cạnh tranh bình đẳng với các ngành khác. Thương hiệu VRG đã có mặt trên 60 nước và nhãn hiệu hàng hóa được gia hạn bảo hộ ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn đã tham mưu Lãnh đạo Tập đoàn triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020, cụ thể: tổng doanh thu 111.629 tỷ đồng (83,8%); tổng lợi nhuận trước thuế 21.445 tỷ đồng (68,9%); tổng nộp ngân sách 15.450 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu 8,73%.
Về lĩnh vực cao su, Tập đoàn hiện có tổng diện tích cao su 407.800 ha (trong nước 293.250 ha, trong đó miền núi phía Bắc 28.900 ha; Lào 26.650 ha; Campuchia 87.900 ha). Tổng diện tích cao su khai thác của Tập đoàn ước đến năm 2020 đạt 238.900 ha, năng suất bình quân 5 năm đạt 1,55 tấn/ha. Từ năm 2015 – 2020 Tập đoàn khai thác được khoảng 1.528.999 tấn mủ cao su, bình quân sản lượng mỗi năm là 305.800 tấn. Sản lượng cao su tiêu thụ khoảng 1.922.784 tấn, bình quân 384.557 tấn/năm với giá bán bình quân 33 triệu đồng/tấn.
Về lĩnh vực gỗ, sản phẩm gỗ chủ yếu của Tập đoàn gồm gỗ sơ chế, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế và gỗ ván sợi MDF. Từ năm 2016, các nhà máy chế biến gỗ đã được tiếp tục đầu tư mở rộng, đến năm 2019 toàn Tập đoàn có 20 nhà máy sản xuất gỗ (17 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế; 3 nhà máy MDF) với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 1.127.180 m3/năm, tổng mức đầu tư là 4.480 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các công ty gỗ thuộc Tập đoàn 5 năm vừa qua là 31.956,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.545,0 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.902,0 tỷ đồng.
Về lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn có 5 công ty công nghiệp cao su sản xuất các sản phẩm găng tay y tế, băng tải, dây courroie, cao su kỹ thuật các loại, nệm – gối cao su, bóng thể thao, chỉ thun… đã đóng góp khoảng 1.234 tỷ đồng vào doanh thu năm 2019 của toàn Tập đoàn. Sản phẩm găng tay y tế của Tập đoàn đã được xuất khẩu trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Tập đoàn cũng đang hợp tác sản xuất lốp xe tải và xe gắn máy với thương hiệu VRG.
Về lĩnh vực khu công nghiệp, Tập đoàn đang đầu tư vào 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp với 16 dự án, tổng diện tích 6.566,37 ha, nằm tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Hải Dương. Trong tổng số 16 khu công nghiệp có 5 khu công nghiệp thuộc quỹ đất ngoài cao su với tổng diện tích là 3.173,81 ha; 11 khu công nghiệp còn lại đều được phát triển trên đất cao su. Tổng diện tích đất cho thuê của 11 khu công nghiệp trên đất cao su là 140,17 ha. Lũy kế doanh thu của các khu công nghiệp thuộc Tập đoàn 5 năm gần đây là 6.751,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.257,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.855,8 tỷ đồng.
Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện đến năm 2019 là 343,75 ha. Trong đó chuối 260,75 ha và mít 83 ha. Hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng việc triển khai một số diện tích trong những năm qua đã bước đầu có kết quả khá khả quan, làm tiền đề cho phát triển nhanh các năm tiếp theo.
Công tác cổ phần hóa về cơ bản đã thực hiện hoàn thành trong toàn Tập đoàn với việc cổ phần hóa đồng thời Công ty mẹ – Tập đoàn cùng với 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV, 04 đơn vị sự nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tập đoàn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 22/5/2018 để thông qua các nội dung theo quy định và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty cổ phần từ ngày 01/6/2018.
Song song đó, Tập đoàn đã ban hành Chương trình phát triển bền vững (PTBV) giai đoạn 2019 – 2024 và kế hoạch hoạt động năm 2019. Đã xây dựng bộ khung về nhân sự từ cấp Tập đoàn đến các công ty thành viên, bao gồm việc thành lập Ban chỉ đạo PTBV, Tổ tư vấn PTBV, Tổ quan hệ và tham vấn cộng đồng; xây dựng các chính sách; triển khai thực hiện chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024 với 10 mục tiêu cụ thể.
Với sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp cùng quyết tâm của Tập đoàn đã hoàn thành việc đánh giá để cấp chứng chỉ VFCS/FM cho khoảng 11.000 ha cao su và chứng chỉ VFCS/CoC cho 06 nhà máy chế biến tại 03 công ty cao su Phú Riềng, Bình Long và Dầu Tiếng. Bên cạnh đó giúp các công ty xây dựng được bản đồ số và xây dựng thành công phương án quản lý rừng bền vững (theo lộ trình chung của Chính phủ) trên diện tích 61.000 ha.
Triển khai Chương trình chứng nhận doanh nghiệp bền vững của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Tập đoàn có 10 công ty nằm trong top 50 và 3 công ty được công nhận là doanh nghiệp bền vững, được ban tổ chức vinh danh ngày 26/11/2019.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn đẩy mạnh tham mưu giúp Đảng ủy Tập đoàn và Lãnh đạo Tập đoàn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn trên các mặt: Tập trung phát triển Tập đoàn ổn định, bền vững theo hướng tăng tỷ trọng đến năm 2025 là công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối quản lý và phát huy hiệu quả. Xây dựng Tập đoàn có thương hiệu mạnh trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác đầu tư, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước nhằm phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở những khu vực có lợi thế phù hợp quy hoạch của địa phương nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tập đoàn. Tập trung các giải pháp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất chế biến mủ cao su. Tăng cường công tác thu mua cao su tiểu điền, đảm bảo vai trò dẫn dắt thị trường cao su trong nước. Tiếp tục mở rộng quy mô ngành chế biến gỗ, công nghiệp cao su để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng từ cây cao su. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp kết hợp với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Trần Ngọc Thuận - UV BTV Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG đánh giá cao kết quả của Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. “Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn đã phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp, tập trung kiện toàn, sắp xếp bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các chủ trương, nhiệm vụ đề ra luôn phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế. Cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn năng động, sáng tạo có quyết tâm cao đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn”.
Đồng chí Trần Ngọc Thuận - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG phát biểu tại đại hội |
“Từ những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Cơ quan Tập đoàn tiếp tục đoàn kết, thống nhất và phát huy dân chủ là sức mạnh tổng hợp, là yếu tố quyết định thành công của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh phối, kết hợp thực hiện chức năng lãnh đạo ở cấp mình và thực hiện chức năng tham mưu cho Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn và công tác xây dựng Đảng bộ Tập đoàn. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội là góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội vững mạnh” – đồng chí Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh.